Hòa thượng Thích Huyền Quang

"Pháp lý của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là chánh pháp của 2000 năm lịch sử đạo lý và văn hiến trên đường mở nước, giữ nước và cứu nước; cơ sở của GHPGVNTN là nông thôn, thành thị, núi rừng và hải đảo dưới hào quang của trí tuệ và từ bi; địa vị của GHPGVNTN là 80% dân chúng, già trẻ lớn bé..."

Hòa Thượng Thích Huyền Quang sinh ngày 19 tháng 9 năm 1919, tại Bình Ðịnh, xuất thân từ một gia đình sống về nghề nông và tiểu thương. Ngài đã theo đuổi việc học liên tục từ lúc 6 tuổi cho đến 26 tuổi. Lúc nhỏ hấp thụ nền văn hóa Khổng Mạnh, cho đến năm 13 tuổi Ngài xuất gia. Ngài đã từng đi nhiều nơi và hiểu biết tường tận cả hai miền Trung và Nam Việt Nam.

Năm 1945, lúc 26 tuổi, sau khi hoàn tất chương trình tu học, Ngài tham gia và trở thành nhà lãnh đạo của Phong Trào Phật Giáo Cứu Quốc, đấu tranh chống Pháp tại vùng Bình Ðịnh và Liên Khu 5 (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh và Phú Yên). Trong cùng thời gian đó, Ngài cũng đấu tranh chống lại những người cộng sản, và đưa đến việc Ngài bị Việt Minh bắt giam từ năm 1952 đến năm 1954 (sau hiệp định Genève).

Sau biến cố 1963, Ngài trở thành người lãnh đạo số 2 trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, được hình thành vào năm 1964. Trong vòng 10 năm sau đó, Ngài giữ trách vụ Tổng Thư Ký Viện Hóa Ðạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Trong thời gian này, Ngài đã tham dự các cuộc hội thảo của Phật Giáo Quốc Tế được tổ chức khắp nơi trên thế giới (Tokyo 1970, Geneva 1973, Brussels 1974).

Tháng Tư năm 1975, Việt cộng cưỡng chiếm miền Nam làm thay đổi tất cả đất nước, Viện Hóa Ðạo cũng bị ảnh hưởng. Tháng 3 năm 1977, Ngài gửi một lá thư phản đối đến Thủ tướng Phạm Văn Ðồng, về 85 trường hợp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bị đàn áp. Vì thế, Ngài cùng với 5 vị lãnh đạo tinh thần khác bị bắt, với tội danh chống đối chính sách của chế độ hiện thời. Bị đem ra xét xử vào ngày 8 tháng 12 năm 1978, Ngài bị kết án treo 2 năm với tội "khích động chống lại nghĩa vụ quân sự và những bổn phận xã hội khác". Sau đó vì Ngài vẫn liên tục chống lại kế hoạch đồng hóa Giáo Hội theo chính sách của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam, Ngài bị bắt trong vòng 24 tiếng đồng hồ vào tháng 10 năm 1981, kế đến là lần thứ ba, ngày 25 tháng 2 năm 1982, và bị quản thúc tại chùa Hội Phước, tỉnh Quảng Ngãi.

Trong cùng thời gian, Ngài được dư luận quốc tế biết đến khi hai nhân đã từng nhận giải Nobel Hòa Bình , Mairead Corrigan (1976) et Betty Williams (1976), đề nghị Ngài vào danh sách những người có thể được trao giải Nobel Hòa Bình. Từ năm 1992, tại nơi quản thúc, Ngài đã gửi đi hàng loạt văn thư phê phán chế độ Cộng Sản Việt Nam về cái mà họ gọi là "Ðổi Mới", khiến Ngài càng gặp nhiều khó khăn với chế độ.

Những lá thư này nêu rõ vị trí của Phật Giáo trong nền văn hóa Việt Nam, Giáo Hội được công nhận một cách hợp pháp, chính danh đối với các chùa chiền tại Việt Nam, và phủ nhận chủ nghĩa Cộng Sản như là một tư tưởng phù hợp cho người Việt Nam. Ngài có quyền lên tiếng như thế, vì trước khi qua đời, Hòa Thượng Thích Ðôn Hậu đã chọn Hòa thượng Thích Huyền Quang là người kế vị lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, và Ngài đã lãnh trách vụ này trong buổi lễ an táng Hòa Thượng Thích Ðôn Hậu vào tháng 4 năm 1992.

Ngày 29 tháng 12 năm 1994, lực lượng công an đến chùa Hội Phước, cưỡng đoạt tất cả văn thư và ấn tín của Giáo Hội, đưa Hòa Thượng Thích Huyền Quang đến địa điểm giam giữ mới, hoàn toàn cô lập với bên ngoài. Trong điều kiện tuổi tác cao cộng thêm bịnh cao áp huyết, việc trả tự do và chăm sóc sức khoẻ cho Ngài là một yêu cầu vô cùng cấp bách.



Giáo Hội | Gia Ðình Phật Tử