|
I.
Bà Lão Cúng Ðèn
Một thời đức Phật ở nước La-duyệt-Kỳ tại núi Kỳ-xà-Quật, lúc bấy giờ vua A-Xà-Thế thỉnh đức Phật dự lễ trai tăng trong hoàng cung. Sau khi thọ trai, đức Phật trở về Tinh-Xá Kỳ-hoàn. Vua bèn hỏi Kỳ-Bà rằng: "Ta thỉnh Phật thọ trai xong, nay không biết nên làm gì?" Kỳ-Bà nói: "Ngài nên đem rất nhiều đèn để cúng dường Phật." Vua liền sai chở một trăm thùng dầu về Tinh-Xá Kỳ-Hoàn. |
|
Có một
bà lão nhà rất nghèo, có tâm
chí thành muốn cúng dường đức
Phật mà không có tiền. Bà thấy
vua A-Xà-Thế làm công đức như
vậy, rất lấy làm cảm kích. Bà
đi xin được hai tiền, liền đến
nhà hàng mua dầu. Chủ hàng hỏi: "Bà
rất nghèo túng, xin được hai tiền,
sao không mua đồ ăn mà lại mua dầu?"
Bà già đáp rằng: "Tôi
nghe ở đời gặp đức Phật rất
khó, vạn kiếp mới được một
lần. Tôi nay may mắn được sanh đời
Phật, mà chưa có dịp cúng dường.
Ngày nay tôi thấy Vua làm việc đại
công đức, tôi tuy cùng khổ, cũng
muốn cúng dường ngọn đèn để
làm căn bổn cho đời sau."
Lúc bấy giờ người chủ quán cảm
phục chí nguyện của bà lão, liền
đong cho thêm 3 tiền thành được
năm tiền dầu. Bà đến trước
đức Phật thắp đèn lên, tự
nghĩ dầu thắp không quá nửa đêm,
bà phát nguyện rằng: "Nếu
sau này tôi được chứng đạo
Vô thượng như đức Phật thời
ngọn đèn này sẽ đỏ suốt đêm
và sáng tỏ khác thường."
Phát nguyện xong bà lễ Phật rồi về.
Các ngọn đèn của Vua cúng dường, có ngọn tắt, có ngọn đỏ, tuy có người săn sóc nhưng không được châu toàn. Riêng ngọn đèn của bà lão, suốt đêm không tắt, dầu lại không hao. Trời sáng, đức Phật bảo Ngài Mục-Kiền-Liên rằng: "Trời đã sáng, hãy vào tắt các ngọn đèn." Ngài Mục-Kiền-Liên vâng lời thứ lớp tắt các ngọn đèn, nhưng riêng ngọn đèn của bà lão thổi tắt ba lần cũng không được; sau lấy áo cà sa mà quạt ngọn đèn lại đỏ rực rỡ hơn. Ðức Phật bèn bảo rằng: "Hãy dừng lại, ngọn đèn ấy là hào quang công đức của một vị Phật tương lai, không thể lấy thần thông của người mà trừ diệt được." Vua A-Xà-Thế nghe nói, liền hỏi Kỳ-Bà rằng: "Ta làm công đức rộng lớn như vậy mà đức Phật không thọ ký cho ta thành Phật, còn bà già kia chỉ thắp một ngọn đèn mà được thọ ký là cớ làm sao?" Kỳ-Bà đáp rằng:
"Ngài
cúng đèn tuy nhiều mà tâm không
chuyên nhất, không bằng được tâm
thuần thành của bà kia đối với đức
Phật."
(A-Xà-Thế vương
thọ quyết kinh)
|
|
II. THẦY TỲ KHEO VỚI CON NGỖNG Có một vị Tỳ-Kheo đến
khất thực tại một nhà kia được
mời vào trong phòng ngồi một mình.
Người chủ lên tiếp chuyện tay có
đeo chiếc nhẫn, vô ý đánh rơi
mà không biết. Lúc ấy con ngỗng đi
ngang nuốt vào bụng. Vị Tỳ-Kheo thấy,
nhưng không nói gì. Một lát, người
chủ mới biết mất chiếc nhẫn bèn
lên tìm hỏi. Vị Tỳ-Kheo im lặng không
đáp. Người chủ sanh nghi hỏi dồn, vị
Tỳ-Kheo vẫn im lặng. Không thể nén lòng
tức giận, người chủ mắng chửi
và đánh đập, nhưng vị Tì-Kheo
vẫn cam chịu không nói một lời gì,
lúc ấy có người nhà, chạy
lên thưa với người chủ rằng: "Không
biết gì sao con ngỗng của nhà tự nhiên
ngã chết ngoài sân kia."
Nghe lời nói xong, vị Tỳ-Kheo mới thong thả
trả lời: "Khi
hồi tôi thấy con ngỗng nuốt chiếc nhẫn."
Người chủ liền bảo người nhà
đem mổ bụng con ngỗng thì tìm được
chiếc nhẫn.
|
|
Người chủ hối
hận liền thưa với vị Tỳ-kheo: "Bạch
Thầy, sao khi hỏi Thầy, Thầy lại không nói
ngay cho con biết, để đến nỗi con sanh nghi,
xúc phạm đến danh thể của Thầy?" Vị Tỳ-Kheo trả lời: "Ông nghi cũng phải, nhưng nếu tôi nói ngay thì con ngỗng sẽ bị ông giết vì lời nói của tôi; việc ấy tôi không bao giờ dám làm cả, dẫu có hại đến tánh mạng tôi cũng vậy." (Phật Pháp
Ngành Thiếu; Thích Minh Châu, Thích
Ðức Tâm, Thích Thiện Ân, Thích
Chân Trí)
|