SỰ TÍCH ÐỨC QUÁN THẾ-ÂM BỒ-TÁT
I. Ý NGHĨA TÊN NGÀI

Ðức Quán-Thế-Âm là một vị Bồ Tát thường hay quán xét tiếng đau khổ chúng sanh để cứu giúp nên gọi Ngài là Quán Thế-Âm; lại do Ngài quán sát nghe mà giác ngộ tự tại cứu độ chúng sanh nên cũng gọi Ngài là Quán Tự Tại. Trong khi Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời, Ðức Quán Thế Âm thường trợ hóa cho Ðức Phật A-Di-Ðà ở cõi Cực Lạc, và thường hầu bên tay trái Ðức Phật A-Di-Ðà.

II. SỰ TÍCH

Kinh Bi Hoa chép rằng: về thời quá khứ, Ngài Quán Thế Âm làm thái tử con vua Vô Tránh Niệm, đồng thời có Ðức Bảo Tạng Như Lai ra đời giáo hóa chúng sanh. Vua nghe Ðức Phật thuyết pháp hiểu đặng Ðạo lý, phát tâm Bồ Ðề quyết chí tu hành các hạnh Bồ Tát, mong sau thành Phật đặng cứu độ chúng sanh. Vua cúng dường đức Phật và Tăng chúng luôn trong 3 tháng. Thái tử cũng cúng dường và cũng tu như vậy. Vua Vô Tránh Niệm tu hành tinh tấn, đến khi công hạnh vẹn toàn thì thành Phật ở cõi Cực Lạc phương tây hiệu là A-Di-Ðà, Thái tử cũng công hạnh trọn đủ, cũng sanh về cõi ấy thành Bồ Tát hiệu là Quán Thế Âm, đặng cùng với đức Phật A-Di-Ðà tiếp dẫn chúng sanh về cõi Phật.


Quán Thế Âm Bồ Tát
III. HẠNH NGUYỆN CỦA NGÀI

Trong kinh Phổ Môn, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni có nói về hạnh nguyện của Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát là cứu độ chúng sanh thoát khỏi 3 tánh tham, sân, si, nếu chúng sanh niệm đến danh hiệu Ngài. Ðức Quán Thế Âm lại thường hiện thân vào tất cả từng lớp chúng sanh để cứu chúng sanh thoát khỏi các nạn tai ách. Hạnh nguyện của Ðức Quán Thế Âm là tượng trưng cho hạnh Từ Bi và tất cả chúng sanh thường niệm danh hiệu Ngài là Nam mô Ðại từ đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát, hay Nam mô Ðại Từ bi Phú linh cảm Quán Thế Âm Bồ Tát.

IV. LÒNG QUI NGƯỠNG CỦA PHẬT TỬ

Vì Ðức Quán Thế Âm có nhơn duyên, cơ cảm với chúng sanh ở cõi Diêm Phù Ðề này, nên Ngài rất được tôn thờ. Một khi có tai nạn xẩy ra, mọi người liền niệm danh hiệu Ngài để nhờ Ngài cứu độ. Trong những thời kỳ binh đao tai nạn, mọi người thường hay ấn tống tượng Ngài để thờ hoặc để đeo.

Nguời ta thường vẽ tượng Ngài bằng hình dáng phụ nữ tượng trưng cho lòng thương không bờ bến của Ngài, bà mẹ hiền của chúng ta. Ngài cầm một cành dương liễu để tiếp dẫn chúng sanh và bình nước cam lồ để rưới tắt phiền não, đem lại nước trong mát cho mọi loài. Người ta vẽ Ngài đi trên hoa-sen giữa bể đào, tỏ rằng trong bể khổ sóng gió Ðức Quán Thế Âm bao giờ cũng gần gũi chúng sanh, cứu vớt chúng sanh bằng hoa sen Từ bi ngát hương chơn lý. Có khi vẽ Ngài ngồi ở pháp tọa trong rừng trúc, hình dung Ngài ở núi Phổ Ðà thường nhập định, đồng thời tùy duyên thuyết pháp độ chúng sanh: tuy tùy duyên ứng thân thuyết pháp mà vẫn không rời pháp tọa tự giác vậy. Hình ảnh này và hình ảnh có Thiện Tài, Long nữ đứng đầu là tượng trưng cho phạm hạnh đồng chơn của Ðức Quán Thế Âm, nghĩa là hạnh hoa sen trong sạch giữa bùn lầy ô-trược như tâm hồn tươi trẻ trước cảnh sắc mê hoặc. Trong năm có ba ngày Vía lớn của Ngài là ngày 19 tháng 2, 19 tháng 6, 19 tháng 9.

Người Phật tử chơn chánh niệm Ðức Quán Thế Âm là luôn luôn thể theo hạnh Từ Bi của Ngài mà cứu độ cho tất cả chúng sanh đau khổ, làm tất cả hạnh lành, dầu phải gặp những gian nan, đau khổ.

(Phật Pháp Ngành Thiếu; Thích Minh Châu, Thích Ðức Tâm, Thích Thiện Ân, Thích Chân Trí)


Chương Trình Tu Học | Thư Viện Lam | Trang Chính