Tam Bảo

Tam Bảo: Phật, Pháp và Tăng, là ba ngôi quí báu hơn hết không ai có thể sánh bằng.

I. Phật-Bảo:

  1. Ðịnh danh: Phật tiếng Phạn (buddha) là Phật-Ðà, có ba nghĩa:
  • Tự giác: tự mình đã giác-ngộ,
  • Giác tha: giác ngộ cho mọi loài cũng đồng giác ngộ như mình.
  • Giác hạnh viên mãn: hai công hạnh trên hoàn toàn viên mãn. Từ trước đến nay, có nhiều vị như vậy, như Ðức Phật A-Di-Ðà, Ðức Phật Dược-Sư, Ðức Phật Di-Lặc v.v..
  1. Ðức Phật Thích-Ca Mâu-Ni: Ðức Phật đem giáo pháp dạy chúng ta là Ðức Phật Thích-Ca Mâu-Ni. Chúng ta gọI Ngài là Ðức Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật.
  2. Tướng tốt của Ðức Phật: Do công hạnh tu tập Ngài có 32 tướng tốt; trên đầu có nhục kế biểu hiệu trí-huệ hoàn toàn, thân-thể và trên đầu có hào-quang (trí-huệ sáng suốt), hai tai dài (thọ mạng lâu dài). Mặt tròn như trăng rằm, khác với gương mặt chúng sanh, hai mắt trong xanh như nước biển, giữa hai chân mày có một sợi dài trắng uyễn chuyển như núi Tu-Di, giữa ngục có chữ Vạn, chân tay tròn đầy, da mịn bao bọc, dưới chân có 1.000 xoáy tròn, v.v...
  1. Ðức hạnh trí-huệ của Ðức Phật: Ðức Phật đầy đủ năm hạnh tinh-tấn, hỷ-xả, thanh-tịnh, trí-huệ và từ-bi.
  • Tinh tấn: Tu khổ-hạnh 6 năm, ngồi thuyền-định 49 ngày dưới cây Bồ-đề, giáo-hóa hơn 49 năm, chịu cực-khổ đói rét. Trải qua nhiều gian-lao cực-khổ Ngài vẫn cương quyết tìm đạo giáo-hóa chúng-sanh không thối chí.
  • Hỷ-xả: Hy-sinh quốc thành thê tử tìm đạo cứu chúng-sanh không một niệm luyến tiếc. Trải qua các sự gian-lao, Ngài vẫn hoan-hỷ hành-đạo, không một niệm thối chuyển.
  • Thanh-tịnh: Thân-thể ánh sắc vàng trong trắng như lưu-ly. Lời nói chơn-thành đúng chơn-lý; không nói lời độc-ác hay nói dối; luôn luôn hòa-nhã êm-dịu. Tâm-hồn ý-nghĩ thanh tịnh không có tham, sân, si, kiêu-mạn.
  • Trí-huệ: Trí-huệ của Ðức Phật hoàn-toàn, hiểu biết cùng khắp thông suốt hiểu thấu căn-cơ chúng-sanh, rõ biết vạn vật.

  • Từ-bi: Ðức Phật có lòng từ-bi vô-lượng, thương xót cứu độ cho tất cả chúng-sanh, từ loài người cho đến loài vật, không loài nào là không cứu-độ.
II. Pháp Bảo:
  1. Ðịnh danh: Pháp là lời dạy của Ðức Phật hoặc các vị Bồ-tát vâng theo lời Phật mà nói hoặc các vị Tổ-sư làm ra. Lời dạy tuyên dương chơn-lý, có thể đưa mọi loài thoát khổ được vui, nên gọi là Pháp bảo, là pháp tôn-quý nhất trên đời.
  2. Các món Pháp-Bảo: Pháp-bảo gồm có ba món:
  • Kinh là lời dạy của Ðức-Phật, của các vị Bồ tát vâng theo lời Phật dạy mà nói, như Kinh Lăng-Nghiêm, Kinh 49 Chương, v.v..
  • Luật: là những giới luật do đức Phật thân chế cho hàng xuất gia, tại gia tu hành, như năm giới của Ưu-Bà-Tắc, Ưu-Bà-Di; 10 giới cho Sa-Di; 250 giới cho hàng Tỳ-kheo, v.v..
  • Luận: là lời luận bàn về kinh-điển của các vị Tổ-sư, nói rộng các yếu-nghĩa trong kinh và luật cho dễ hiểu như Luận Khởi-Tín, Luận Nhơn-Minh, v.v...
  • Ðặc tánh của Pháp Bảo: Quý nhất trên đời. Nhờ Pháp bảo, chúng-sanh chứng được lý, trừ khổ, được vui, được giải thoát. Ðúng sự thật đúng chơn lý: Lời Phật daỵ, lời các vị Tổ sư đều đúng với sự Thật, đúng với sự hiểu biết chơn-chánh. Hợp với căn-cơ của mọi loài, mọi người . Hợp với trình độ, hợp với tâm tánh của từng người, từng loài
III. Tăng bảo:
  • Ðịnh danh: Tăng-bảo là một đoàn-thể xuất-gia tu-hành theo Ðạo Phật, gồm ít nhất 4 người trở lên, và sống theo sáu pháp hòa-kỉnh.
  • Ðặc tánh Tăng bảo: Quý nhất trên đời, vì là một đoàn thể tập sống đúng như lời Phật dạy, giữ giới luật oai-nghi, làm gương mẫu cho mọi người, chỉ dạy cho mọi người phương-pháp thoát khổ được vui. Sống đời thanh-tịnh, không có gia-đình vợ con, không theo danh-lợi, ăn chay đạm bạc, siêng tu khổ hạnh, giữ giới luật Phật dạy. Luôn luôn nghiên cứu kinh điển: ngủ ít học nhiều, suy tìm nghiên cứu để hiểu thấu lời Phật dạy, chứng thật được chơn lý. Làm gương sáng cho mọi người.
  • Các hàng Tăng chúng: Sa-Di là hàng Nam-tử xuất-gia giữ 10 giới, Sa-di Ni là hàng nữ nhân xuất gia giữ 10 giới. Thức xoa-ma-na là hàng học giới nữ giữ 6 giới và tập hạnh Tỷ-kheo-ni. Tỷ-kheo là hàng Nam-tử xuất-gia giữ 250 giới. Tỷ-kheo-Ni là hàng nữ nhân xuất gia giữ 350 giới.
IV. Kết luận:

Phật, Pháp, Tăng là ba món quý báu nhất trên đời đối với một người Phật-tử, là gương mẫu chơn chánh cho Phật-tử noi theo, là ruộng phước cho tất cả chúng-sanh gieo các hột giống tốt lành.

(Phật Pháp Ngành Thiếu; Thích Minh Châu, Thích Ðức Tâm, Thích Thiện Ân, Thích Chân Trí)


Chương Trình Tu Học | Thư Viện Lam | Trang Chính